Rau má có tác dụng gì: Giải nhiệt nhận trường, giải độc cho gan, lá lách, phổi. Nấu canh, xào, luộc để ăn, hoặc làm trà rau má (có thể lấy cả thân lá rễ) bằng cách phơi trong mát cho khô, đem rang sém cạnh rồi nấu nước uống.
Rau má còn có tên là Tích tuyết thảo. Cây rau má có thân nhẳn , mọc lan trên mặt đất, có rể ở các mấu. Lá có cuống dài mọc ra từ gốc hoặc từ các mấu. Lá hơi tròn, có mép khía tai bèo. Phiến lá có gân dạng lưới hình chân vịt. Hoa mọc ở kẻ lá. Cánh hoa màu đỏ hoặc tía.
Thành phần của rau má bao gồm những chất sau: beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, iron, magnesium, manganese, phosphorus, potassium, zinc, các loại vitamins B1, B2, B3, C và K.
Trong dân gian, Rau má được dùng để chữa một số bệnh:
– Vàng da do thấp nhiệt: Rau má 30 – 40g, Đường phèn 30g sắc uống.
– Đi lỏng do trúng thực: Rau má 30g sắc với nước vo gạo uống hàng ngày.
– Đái ra máu: Rau má và Ích mẫu thảo mỗi thứ một nắm rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.
– Táo bón: Rau má 30g giã nát đắp rốn.
– Bệnh sởi: Rau má 30 – 40g sắc uống.
– Áp xe vú giai đoạn đầu: Rau má tươi 30 – 70g sắc uống hoặc giã nát ép lấy nước uống.
– Giải ngộ độc thuốc và thực phẩm: Rau má tươi giã nát ép lấy nước uống (có thể thêm một chút Đường phèn).
– Hành kinh đau bụng đau lưng: Rau má khô tán bột mỗi ngày uống 2 thìa cà phê gạt ngang.
– Giải nhiệt, trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan, lợi tiểu: Rau má tươi 30 – 100g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nát rồi hoà đường uống.
Đối với bệnh nhân viêm gan virút cấp tính dùng 150g Rau má tươi sắc với 500ml nước cô còn 250ml, pha thêm Đường phèn chia uống 2 lần trong ngày khi đói bụng. Ngoài ra Rau má còn được dùng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn màng não – tuỷ.
Ở nước ta Rau má mới chỉ được nghiên cứu trong điều trị các bệnh lý ngoài da, đặc biệt là bỏng. Theo cổ nhân, Rau má có tính lạnh nên những người hư hàn không nên dùng.
theo: caythuocquy
Toa căn bản.
Toa căn bản ra đời vào khoảng năm 1950 do cụ Võ văn Hưng , một lương y giàu kinh nghiêm ở miền đông nam bộ soạn. Sau đó toa căn bản được Bác sĩ Nguyển văn Hưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế thời bấy giờ hưởng ứng và khuyến khích sử dụng. Toa căn bản gồm 10 vị là toa thuốc rất quen thuộc ở các Bệnh viện, trạm y tế từ bộ đội đến nhân dân, đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỷ. Toa căn bản có đặc điểm là không có độc tính, dễ sử dụng, có tác dụng kích thích tiêu hoá, nhuận gan, nhuận trường, lợi tiểu, giải độc và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tuỳ theo tình trạng của người bệnh và điều kiện của địa phương mà linh động gia giảm vị thuốc hoặc liều thuốc.
Toa thuốc gồm: Rau má 8g, Rể tranh 8g, Lá muồng trâu 4g, Cỏ mần chầu 8g Cỏ mực 8g, Cam thảo nam 8g.Ké đầu ngựa 8g, Củ sả 4g, Gừng tươi 4g, Vỏ quít 4g.
Đổ 3 chén nước sắc còn non một chén, uống lúc thuốc còn ấm.
Hoàn ích khí, dưỡng âm, trợ cơ, cứu đói.
Có thể làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc ngưòi ốm mới khỏi hoặc dùng làm lương khô mang theo khi đi xa phòng khi thiếu thốn thực phẩm.
Toa thuốc gồm 4 vị : Lá dâu tầm, Mè đen, Bột củ mài và Rau má.
Mỗi vị ngang nhau, tán bột làm hoàn, mỗi hoàn khoảng 5g. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 hoặc 2 hoàn.
Thoái nhiệt đơn.
Có công dụng giảm nhiệt, hạ sốt, trừ khát, trấn kinh.
Rau má 15%, Hoạt thạch 30%, Sắn dây 20%, Sài hồ 15%, Thạch cao 10%, Cam thảo 10%.
Tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.
Thuốc hạ huyết áp.
Rể nhàu 16g, Rể kiến cò 12g, Lá tre l2g, Rể tranh 12g,Rể cỏ xước 12g, Rau má 16g, Lá dâu 12g
Sắc uống hoặc đóng viên làm trà uống thay nước hàng ngày.
Sốt xuất huyết.
Rau má 20g, Cỏ mực 16g, Rau sam 16g, Đậu đen 16g. Sắc uống.
Nước ép rau má.
Nước ép rau má là một cách sử dụng rau má đơn giản và thông dụng nhất. Nước ép rau má tươi có đầy đủ các hoạt chất và tác dụng đã đề cập. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 đến 40g rau má tươi. Lá rau má mua về rửa sạch, giả hoặc xay nát. Cho thêm một ít nước vào. Vắt và lọc bỏ xác. Thêm vào một ít đường cho dễ uống.
Lưu ý.
Rau má có tính lạnh nên những người có Tỳ Vị hư hàn, hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng cần cẩn thận khi dùng. Những trường hợp nầy chỉ nên dùng vài lá mỗi lần hoặc khi dùng kèm theo một vài lát gừng sống. Dùng ngoài da không giới hạn.