Thức ăn chính và phụ trong thực dưỡng Ohsawa – đối với người ăn chay trường hay ăn gạo lứt muối mè số 7 thì cần ăn những thức ăn chính là gạo lứt và thức ăn phụ là muối mè, tương tamari, tương đặc miso, dầm mè, rau củ…
Thức ăn chính là cơm gạo lứt.
Ai cũng biết phương pháp thực dưỡng Ohsawa lấy ngũ cốc làm thực phẩm chính, mà ở Việt Nam, đấy là gạo lứt.
Gạo lứt có nhiều loại đỏ, đen và trắng. Dùng loại nào cũng được tùy theo khẩu vị của mình, có điều gạo lứt đỏ và tròn thì Dương hơn và nếu nấu bằng nồi áp suất thì cơm dẻo và ngon. Nên nhớ tốt nhất là nấu bằng nồi đất, một cái nồi trong ngoài đều màu gạch, không tráng một loại men nào cả mà hầu như các chợ hay nơi kinh doanh đồ sành sứ có bán. Triệt để tránh dùng nồi điện hay soong nhôm nấu cơm gạo lứt vì theo kinh nghiệm của chúng tôi, cơm lứt nấu bằng các dụng cụ này, kết quả không mấy khả quan! Nếu nấu bằng nồi áp suất, thì một gạo, một rưởi nước, không ngâm trước cũng được và nấu trong khoảng từ 1 – 1g30. Còn bằng nồi đất thì phải ngâm gạo vài giờ và nấu tối thiểu phải 2 tiếng đồng hồ thì cơm mới mềm ngon. Đặc biệt nếu không có nồi đất thì có thể nấu cơm bằng thố sứ hay tô thủy tinh chịu nhiệt, chưng cách thủy trong nồi áp suất thì càng tốt, dành cho những ca bệnh nặng và không rõ nguyên nhân. Nấu sáng thì có thể ăn luôn chiều.
Các món ăn phụ trong thực dưỡng Ohsawa.
a. Muối mè: Những món ăn kèm cơ bản với cơm gạo lứt thông thường ai cũng biết là muối mè. Mè vàng hay đen còn vỏ đãi sạch đất cát và rang ngay trên bếp lửa, chẳng đợi phơi khô, đều được. Mè này giã với muối hầm với tỉ lệ 4 hay 5 phần mè thì 1 phần muối. Đây là tỉ lệ mà Tiên sinh chỉ dạy trong các sách của Người. Muối mè này rất mặn và rất Dương. Tuy mặn thế nhưng khi dùng thì ta ăn kèm cơm như một gia vị ít nhiều, nhạt đậm tùy theo khẩu vị của mình. Ta còn biết, hồi Tiên sinh mắc bệnh ở Phi Châu chỉ dùng có muối không thôi, lượng rất cao, đến mấy chục gam/ngày cùng với gạo lứt rang đâu có mè mà trong vài ngày bệnh ung lở nhiệt đới dứt điểm, lúc ấy tuổi Tiên sinh đâu còn trẻ, khoảng 55 rồi đấy! Quí vị nếu sợ thì trăn trở khi bệnh cứ dây dưa tức là tìm phương tối ưu, khi nào dùng mặn, khi nào dùng lạt là điều rất cần thiết cho bất cứ bệnh nhân nào đang bước đầu làm thầy thuốc cho chính mình, bệnh-nhân-ta ở đâu là thầy-thuốc-ta ở đó, không tự do và thú vị sao!
b. Tương Tamari: Đây là thứ tương nước chắt ra rrong quá trình làm tương, dùng để chấm rau như một thứ xì dầu chay ở thị trường nhưng không có hóa chất bảo quản hay các loại bột ngọt… nên thiên nhiên hơn. Nếu ta không thích muối mè thì có thể dùng món này thế thường xuyên trong các bữa ăn và trị các bệnh về sỏi thận hoặc có hiện tượng vôi hóa các xương khớp.
c. Tương đặc Misô: Sau khi tương nước lấy hết thì còn lại tương đặc, tiếng Nhật là misô. Đây cũng là một thứ gia vị, nếu thích thì có thể thế cho muối mè. Tương đặc này một khi chiên với dầu mè coi như một thứ mắm ruốc chay mà cũng là một món đặc trị các bệnh về tim mạch, hen suyễn và các chứng Âm quá thịnh.
d. Rau củ: Nhiều người mới nhập môn phương pháp thực dưỡng chưa kinh nghiệm chi mà đã “chơi ngay” thực đơn số 7 tức 100% cơm gạo lứt với một gia vị là muối mè, với một tỉ lệ đúng chuẩn là 1/5. Đây tuy là một thực đơn tuyệt vời nhưng nếu không quen thì dễ sinh các phản ứng mạnh mẽ khiến họ có thể hoang mang hoặc sẽ thấy môn thực dưỡng này sao quá khổ hạnh cộng thêm sức bài bác của những kẻ bàng quan và thầy thuốc nên cũng rất dễ bỏ cuộc. Có lẽ vì nguyên do ấy mà trong quyển HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH, Ohsawa cho một thực đơn chữa nhanh là được ăn 5% rau củ, còn 95% là cơm gạo lứt hay các loại ngũ cốc khác (như nếp, kê, bắp, lúa mì, lúa mạch… nhưng tựu trung gạo lứt là thực phẩm chính, quân bình hơn hết, xem thêm quyển CHÂM CỨU, G.O.). Nhiều người không hiểu con số 5% rau củ là bao nhiêu thì chúng tôi xin thưa, đó là món ăn phụ tối thiểu cốt để đưa cơm, chớ không thì khó mà theo đuổi số 7 lâu dài và trong tâm luôn luôn mang ý tưởng: chừng nào hết bệnh đây, chừng nào “ăn ra, ăn ra”. Tâm lý người bệnh thường nôn nao là thế nên quí vị bệnh nhân đừng bức bách cái thần khẩu quá đáng, dây căng dễ đứt, người xưa há không nói “bình thường tâm thị đạo” đó sao! Nay thì rau củ này, mai rau củ khác, ngoài các lê- ghim Dương, quí vị có thể dùng các thứ “hợp gu” để ăn cho vui và đỡ chán, có điều những thứ quá thịnh Âm như măng, cà, giá, nấm, khoai tây nên cữ còn các loại khác ăn ít thôi thì cứ “tự nhiên” cho một chút. Có điều khi ăn loại nào thì nên nhận xét sau bữa cơm để biết món ấy có thích hợp với mình không. Hợp thì coi như bạn thân giao du thường xuyên, còn không thì như người qua đường thỉnh thoảng mới đứng bên rào nói chuyện chơi thôi!
Còn đối với các món thích mà thấy không tốt cho bệnh thì ta có thể chuyển hóa Âm ra Dương bằng cách chiên xào, hấp, nêm mặn…
Tóm tắt là ta phải tỉnh táo trong vấn đề chọn lựa các thức ăn phụ hay bất kỳ món nào. Đây có thể nói, khi đi vào phương pháp Ohsawa, bệnh nhân cần có một hiểu biết, một tỉnh thức, một ý chí, chứ không phải như nơi các ngành y khác, thường là ta nhắm mắt mà giao sinh mạng mình cho thầy thuốc, may nhờ rủi chịu! Ta là bác sĩ của ta, chính là thế!
Điều cuối cùng là quí vị nên chọn loại gạo và rau củ tương đối sạch và tươi tốt nghĩa là người nông dân hầu như dùng phân bón sinh học chớ không thuần hóa chất. Loại này ngày nay có bán ở thị trường đấy nên tỉ lệ quân bình giữa K/Na = 5/1 của nó ít bị lệch lạc và khi chúng ta dùng, kết quả sẽ có thể thấy khả quan trong vòng mươi ngày trở lại chớ không phải bệnh cứ mãi dây dưa đến tháng nọ rồi năm kia!
Cụ thể những món ăn phụ là những gì? Đó là cà rốt, bí đỏ bắp cải, sú lơ, hành, củ cải, xà lách xon, rau đắng…(trừ các món quá Âm không nên dùng như măng cà giá nấm, khoai tây, dưa chuột…). Ở nhà quê, nếu có rau củ trồng được trong vườn nhà là tốt nhất, rau hoang dã nếu thấy đâu đó trong các cuộc đi dã trại mà hái dùng cũng rất hay. Hồi Tiên sinh mới qua Pháp, ông cũng thường lượm các rau củ người ta bỏ phí ở chợ hay bứt những cây cỏ mọc hoang dại ăn được trên bước đường đi và ông khen nức nở là ăn rất thú vị! Tuy nhiên tốt hay xấu, nếu để hỗ trợ hỗ trợ điều trị bệnh ta cũng nên dùng một lượng tối thiểu để ăn cơm cho vui chứ không phải thuần thưởng thức các món rau đó. Và quí vị nên nhớ không nên ăn nhiều món ăn phụ cùng một lúc mà nên nay món này, mai món khác để các bữa ăn có tính đa dạng và chúng ta dễ nhận định vấn đề thích hợp cùng không. Nếu có gì chẳng ổn sau một bữa cơm thì ta phải hồi tưởng và điểm mặt những món đáng ngờ gây ra, ngay cả những món mà người ăn chay nào cũng thích và ăn thường xuyên như đậu khuôn, đậu hủ, sữa đậu nành chúng rất Âm chỉ thích hợp cho những ai khỏe mạnh. Đặc biệt chao Âm “dễ sợ”, không nên dùng.
e. Thịt cá: Phương pháp Ohsawa không phải là một phép ăn thuần chay như trong các tôn giáo mà là một cách ăn uống trọng sự quân bình cho cơ thể để mở mang trí phán đoán tối cao trong con người của chúng ta là chính. Trong 10 cách ăn uống đúng phép ở quyển Zen Macrobiotics (Phương pháp Trường sinh và đạo thiền), Tiên sinh có đề ra 5 cách ăn uống cuối có liên quan đến động vật tức thịt cá. Tuy nhiên trong sách dạy về nấu ăn để gia tăng trí phán đoán thì chúng ta thấy hầu như chỉ cá mới đôi khi được tính đến mà thôi. Đặc biệt các bệnh về xương cốt, thịt cá được khuyến cáo là không nên dùng. Một khi sức khỏe được phục hồi và tinh thần sáng suốt thì chúng ta có thể ăn uống mọi thứ theo xét đoán minh mẫn của mình. Tự do mà nhất là tự do vô hạn mới là đích điểm của Phương pháp Trường sinh. Chúng Ta đừng nhầm lẫn cái vô hạn của thành tựu tự do với cái phóng túng chẳng ra gì!
Theo Nhập Môn Ăn Gạo Lứt – Huỳnh Văn Ba