Cách uống nước trong thực dưỡng Ohsawa – Đã quen uống nhiều nước, bây giờ uống ít đi quả là khó, khó hơn tập ăn ít và ăn đơn giản. Nhưng việc này rất cần thiết
Thân xác chúng ta phần lớn là nước, chiếm khoảng 75% trọng lượng cơ thể; nhưng trong cơm đã có 60% đến 70% nước, và trong rau củ có đến 80% hoặc 90% nước. Bởi vậy, nếu uống thêm nhiều nước vào, cơ thể khó tránh khỏi bị Âm hóa (trở nên Âm). Nước thừa sẽ làm máu bị loãng, các tế bào trương nở, sinh lực giảm sút, nhiệt độ cơ thể hạ thấp, tim và thận bắt buộc phải gia tăng làm việc, có khi quá sức sinh suy nhược. Người uống nước nhiều mà không vận động thân thể thường bị lạnh, lười biếng nhút nhát, yếu ớt. Muốn chữa bệnh theo phương pháp thực dưỡng có kết quả thì phải bớt uống nước, làm thế nào mà mỗi ngày đàn ông chỉ đi tiểu 3 lần, đàn bà chỉ 4 lần là thích hợp.
Lời hô hào “uống thả cửa” là lời khuyên thiếu suy xét mà người đề xướng hẳn không hiểu tí gì về cơ chế biến dưỡng diệu kỳ của thận. Người ta đã lầm lẫn khi xem thận như một hệ thống máy lọc, nước nhiều sẽ tràn ra ngoài và được lọc qua những cái ống bằng sứ hoặc bằng gang. Thực tế thì thận không như vậy, hai quả thận chứa một loại mô mềm dẻo và xốp đảm nhiệm nhiều công việc không chỉ lọc mà còn phân phối và tái hấp thụ. Nếu đưa quá nhiều nước vào người, các mô bán thẩm thấu này của thận sẽ bị trương phồng khiến các lỗ thông li ti bị ép khít lại không cho hoặc cho rất ít nước thoát qua và như vậy, thận bị ứ nghẽn bắt buộc phải ráng sức làm việc có thể vượt mức chịu đựng.
Để giúp hai quả thận của bạn đang đuối sức vì làm việc quá độ, hãy uống ít lại.
Uống ít là uống vừa đủ giải khát. Hễ khát thì uống, nhưng uống nước từng ngụm nhỏ, ngậm trong miệng một lúc cho thấm họng rồi nuốt, không uống ồng ộc như thói thường. Nếu ăn gì cũng nhai thật kỹ sẽ bớt khát nước, nhờ nước miếng tiết ra nhiều trộn vào thức ăn trôi xuống đường tiêu hóa.