Hướng dẫn sử dụng mè đen đúng cách – Nhiều người thắc mắc về cách dùng mè sao cho hợp lý. Xin giới thiệu một số gợi ý nhằm giúp mọi người hiểu thêm về cách sử dụng chúng.
Ăn bao nhiêu mè mỗi ngày?
Thành phần cơ bản của mè là chất béo, đây là nhóm thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít giá trị dinh dưỡng, nên chiếm tỷ lệ thấp nhất trong các nhóm thực phẩm cơ bản. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng một chế độ dinh dưỡng cân bằng mỗi ngày cần có đủ ba loại chất béo: chất béo bão hoà (nhiều nhất 10% tổng lượng calo), chất béo không bão hoà đơn (ít nhất 10% tổng lượng calo), chất béo không bão hoà đa (10 – 15% tổng lượng calo).
Mè chứa 18% axit béo bão hoà, 40% chất béo không bão hoà đơn và 40% chất béo không bão hoà đa. Như vậy, với người bình thường, chỉ dùng mỗi mè là thực phẩm chứa chất béo thì không đáp ứng đủ các loại chất béo cần thiết cho cơ thể, cần ăn thêm thực phẩm nguồn gốc động vật (thịt, cá…)
Khối lượng chất béo ăn vào mỗi ngày tuỳ thuộc nhiều yếu tố: kích thước cơ thể, mức độ hoạt động thể chất, mục tiêu dinh dưỡng. Theo một khuyến cáo, nhu cầu năng lượng cho phụ nữ 19 – 50 tuổi cần 2.200 calo, trên 51 tuổi cần 1.900 calo; với nam giới: 19 – 50 tuổi cần 2.900 calo, trên 51 tuổi cần 2.300 calo. Trên cơ sở nhu cầu năng lượng, sẽ có một mức chất béo tương ứng, chẳng hạn: 2.200 calo cần 73g chất béo, 1.900 calo cần 63g chất béo, 2.900 calo cần 97g chất béo, 2.300 calo cần 77g chất béo… Cứ 100g mè chứa khoảng 50g chất béo và tạo 570 calo.
Ăn sống hay rang sơ?
Nên rang mè chín để có mùi thơm ngon miệng, dễ tiêu hoá và đảm bảo vệ sinh.
Nên ăn mè trước hay trong khi ăn cơm?
Nên ăn chung với cơm.
Mè vàng, mè trắng có tác dụng gì?
Về thành phần hoá học, không có sự khác biệt giữa các loại mè, nhưng đông y chỉ dùng mè đen làm thuốc. Ở khía cạnh dinh dưỡng thực phẩm, các loại mè có tác dụng như nhau về tỷ lệ các loại chất béo. Vì thế, có thể ăn bất kỳ loại mè nào.
BS Nguyễn Lê Việt Hùng
Theo SGTT