Thế nào là phương pháp Ohsawa? Trước năm 1975 ở miền Nam, người ta thường gọi nôm na là “ Gạo lứt Muối mè”. Gọi như thế là không đúng vì phương pháp này lấy ngũ cốc làm thực phẩm chính.
Đối với các nước Á châu có các loại gạo, kê, bắp…và ở Âu Mỹ là các loại lúa mì, lúa mạch…, cùng thức ăn phụ là lê-ghim tức rau củ, ngay cả thịt nữa (miễn là chúng được trồng hay sống ở môi trường thiên nhiên) cộng với gia vị muối mè, tương… và chúng ta ăn uống làm sao cho đúng quân bình Âm Dương, (sách vở có ghi rõ rang từng món phân ra Âm Dương và cách chế biến).
Thế là chúng ta có vô vàn cách ăn uống quân bình chớ không phải chỉ có một cách duy nhất mà thôi. Tổng quát là như vậy nhưng người mới bắt đầu nhập môn, xử sự làm sao cho quân bình là là một điều không dễ dàng gì. Vì thế món cơm lứt tự thân nó quân bình rồi, thêm chút gia vị muối mè hay tương đậu lành thiên nhiên cộng chừng 5% rau củ đặc trị cho dễ ăn một chút là một phương pháp đem lại quân bình cho cơ thể một cách đơn sơ mà dễ thực hành hơn cả. Có điều nó không ngon miệng lắm, mà ăn lâu dài là rất khó. Bởi vậy, khi mắc những chứng ngặt nghèo ta đành phải ăn khổ hạnh như vậy mới thấy hiệu nghiệm nhanh (một thời gian ngắn thôi), rồi sau đó qua học hỏi ta có thể ăn thêm những món phụ ngon lành, hợp với khẩu vị và bệnh trạng của ta hơn. Vì thế, chúng ta không nên sợ hãi rồi sinh ra phản bác một pháp môn tuyệt vời khi muốn dung nó để đối phó với biết bao chứng khó trị, đôi khi không rõ vì sao, mà phải khổ hạnh một thời gian không đến nỗi quá lâu dài (theo lý thuyết trong vòng 10 ngày là thấy ngay kết quả khả quan, còn người viết sách này chỉ trong 3 ngày là thấy hay và trong vòng một tháng là bệnh hoạn ngặt nghèo lui vào trong quá khứ!)
Tiếp theo đây chúng tôi xin nói qua về danh xưng của phương pháp này để danh chánh ngôn thuận.
Khi phương pháp Ohsawa lần đầu tiên phổ biến tại Miền Nam thì nó có tên là phương pháp Tân dưỡng sinh. Nhưng ba chữ “Tân dưỡng sinh” này cũng như “Gạo lứt muối mè” chúng tôi thấy không ổn vì các chữ trước dễ nhầm lẫn với một phương pháp tập luyện về thân thể và các chữ sau lại gây hiểu lầm khổ hạnh.
Truy nguyên thì phương pháp ăn uống cho quân bình là do Bs Sagen Ishizuka (Bs.chống bác sỹ) đề xuất và ông cùng môn đệ đã thành lập Phong trào thực dưỡng (Shokuyo-kai) vào năm 1908 và vào năm 1916 Ohsawa cũng đã tham gia nhóm này. Về nguyên bản tiếng Nhật của quyển Le Zen macrobiotique, tiên sinh đã đặt tựa đề là Tân thực dưỡng liệu lý thì ta thấy Thực dưỡng xem ra đúng với cội nguồn hơn và rõ rệt phạm vi hơn, thì không vì lý do gì không chính đáng mà ta bỏ các chứ mà chính tác giả đề ra.
Tuy nhiên về hình thức dễ thấy, dễ hiểu là như vậy nhưng trong nội dung có lẽ Ohsawa không vừa bụng với chữ này nên đã gọi nó bằng một ngôn ngữ Tây phương thích đáng hơn là Macrobiotique. Vẫn biết tiếp đầu ngữ tiếng Hy Lạp Macro nghĩ là to, lớn, dài nhưng khi ghép với bio-tique thì nó có nghĩa là thuật trường sinh (tự điển Đào Duy Anh). Điều này không phải chỉ từ điển ghi như thế mà một triết gia kiêm y sĩ người Đức tên Christolph Wilhelm von Hufeland khi viết một cuốn sách bàn về phương pháp để đạt sức khỏe và tuổi thọ cũng đề tựa là “Makrobitotik, Die Kunst des Menschlinche Lebens zu Verlaengern” (“Macrobiotics, the Art of Prolonging Human Life – Phương pháp Macrobiotics, thuật kéo dài tuổi thọ con người”). Dưới tựa đề bản tiếng Anh “ZEN MACROBIOTICS” năm 1965 (cơ sở xuất bản “THE OHSAWA FOUNDATION”) cũng có chung một dòng như sau “the art of rejuvenation and longevi-ty”(thuật làm trẻ người lại và sống thọ? Thế thì chữ Macrobiotics không dịch là Trường sinh thì dịch ra chữ nào bây giờ. Sở dĩ, tôi dài dòng như vậy là có một số người thân thể béo tròn, không biết có áp dụng tốt phương pháp này không mà họ cứ khăng khăng cho đó không phải là trường sinh, cuộc sống dài lâu, mà phải là cái gì hơn thế nữa kia, lớn nữa kia (Ai mà không biết như thế!)
Nói tóm lại, để không đôi co cãi cọ, xuôi chèo mát mái, chúng tôi xin đề nghị thỉnh thoảng chúng ta dùng “thực dưỡng” hay “trường sinh” còn chính thức nên dùng các chữ phương pháp OHSAWA mà chỉ cho Macrobiotics để không còn nhầm lẫn với các phương pháp khác cùng tên.
Và lời tối hậu của chúng tôi để biện minh là chúng ta có đạo KHỔNG, đạo LÃO, binh thơ TÔN TỬ… thì cái phương pháp, cái đạo lý thực dưỡng mang tính sang tạo vô cùng hữu ích cho nhân loại, chúng ta lấy ngay tên của một con người phi thường đã đề xuất mà đặt tên, thiết tưởng cũng là chuyện làm bình thường để ghi nhớ công đức thiêng liêng, chắc hẳn không phải là một vấn đề cần phải bàn đi tính lại cho mất thì giờ.