Tác dụng của củ gừng đối với đời sống – Cây gừng cao tới 1m, thân rễ nạc và phân nhánh xoè ra như hình bàn tay gần như trên cùng một mặt phẳng, màu vàng, có mùi thơm. Lá mọc so le, không cuống hình mác, có gân giữa hơi trắng nhạt khi vò có mùi thơm. Cánh hoa dài cỡ 20cm, mang cụm hoa hình bông, gồm nhiều hoa mọc sít nhau. Hoa có tràng hoa màu vàng xanh, có thuỳ gần bằng nhau nhọn. Cánh môi ngắn hơn các thuỳ của tràng, màu tía với những chấm vàng. Nhị hoa màu tím. Quả mọng.
Dược liệu: Thân rễ (quen gọi là củ) không có hình dạng nhất định, thường phân nhánh, dài 3- 7cm, dầy 0,5- 1,5cm. Mặt ngoài màu trắng tro hoặc màu nâu nhạt, có đốt tròn rõ rệt và vết nhăn dọc. Đỉnh các nhánh có vết thân khí sinh, vết bẻ màu trắng tro hoặc màu ngà vàng, có bột, vân tròn rõ. Mặt cắt ngang có nhiều chấm sáng(Tế bào chứa dầu nhựa) và có sợi thưa. Mùi thơm, vị cay nóng.
Bộ phận dùng: Thân rễ. Gừng khô được gọi là Can khương. Gừng tươi là Sinh khương.
Chế biến: Đào gừng già, rửa sạch, phơi hoặc sấy đến khô (Can khương)
Bảo quản: Để nơi khô, mát.
Tính vị, quy kinh: Tân, nhiệt (vị cay, nóng), mùi thơm, tính ấm. Vào các kinh: Tâm, phế, tỳ, vị, thận.
Công năng: Ôn trung tán hàn, hồi dương, thông mạch, táo thấp, tiêu đàm.
Chủ trị: Đau bụng lạnh, đầy trướng, không tiêu, nôn mửa, ỉa chảy, tứ chi lạnh, mạch yếu, đàm ẩm, ho suyễn.
Liều dùng: 4- 20g/ngày.
Kiêng kỵ: Âm hư nội nhiệt sinh ho, biểu hư ra mồ hôi nhiều hoặc mất máu không nên dùng.
Phân bố: Được trồng rộng rãi trên tất cả các vùng của VN, Ấn độ, Nhật bản, Trung Quốc…
Chế phẩm có Gừng: Viên nang Cảm xuyên hương, Viên nang Phu gia, Siro Bổ tỳ YB .
Tác dụng của gừng với đời sống:
Khi đau bụng (do lạnh), nôn ọe (nhất là nôn khan) bằng gừng: Lấy 10 gr gừng cộng với 4-6 gr cam thảo sắc với 300 ml nước còn 100 ml, nhấm từng ngụm (1 thìa canh/lần).
Khi bị rối loạn tiêu hóa (do thức ăn lạ hay bị cảm lạnh…), bị nôn, mửa, có thể đi lỏng: Dùng gừng khô 2-4gr, giã nhỏ, hòa trong 50 ml nước uống dần dần.
Khi ho: Dùng vài lát gừng tươi chấm với một ít muối hoặc đường, ngậm, mút nước sẽ làm cho ấm họng, dịu cơn ho (có thể dùng dưới dạng mứt cũng được).
Trường hợp trúng phong cấm khẩu: dịch cốt gừng tươi 12g, kinh giới 12g (sắc nước riêng, khoảng 12ml), trúc lịch 6ml (lấy măng vòi hơ nóng, vắt lấy nước), rượu trắng 6ml. Trộn đều 4 dịch trên, dùng thìa cho người bệnh uống.
Trị phù thũng, tiểu tiện bí, dắt: tang bạch bì, trần bì, phục linh, đại phúc bì, đồng lượng 12g, sắc uống ngày 1 thang cho tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Giải độc, trị giun chui ống mật: trước hết cho người bệnh uống giấm thanh, độ 10ml, một lát sau cho uống nước cốt của gừng, độ 10ml.
Can khương là những củ gừng già, phơi khô, hoặc thái phiến phơi khô. Khi dùng có thể sao vàng, sao cháy (thán khương). Có thể sử dụng trong một số trường hợp sau:
Các trường hợp trúng hàn, tức hàn nhập vào phần lý, nhập sâu vào phần dinh, phần huyết, vào tạng phủ. Biểu hiện: dương khí thoát, người lạnh toát, chân tay co quắp, đờm bít tắc cổ họng, nặng thì không nói được: can khương 5g, phụ tử (chế) 10g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu trúng hàn dẫn đến vừa thổ, vừa tả: gừng nướng khô, tán bột, mỗi lần 8 – 10g quấy đều vào cháo nóng ăn. Cũng có thể dùng bài này cho phụ nữ có thai, bị đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp sao cháy dùng khi cơ thể lạnh mà có xuất huyết: băng huyết, đại tiện ra huyết… có thể dùng thán khương, ngải diệp, đồng lượng 10 – 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều ngày tới khi hết triệu chứng.
Gừng còn được dùng nhiều trong phương pháp cứu gián tiếp: cắt các lát gừng tươi dày 3-5mm, trên lát cắt, chọc một số lỗ nhỏ sau khi đặt lát gừng lên huyệt, sẽ đặt mồi ngải lên để đốt.
Giảm mỡ bụng với gừng
- Kết hợp mật ong với gừng, bạn có thể làm món ăn hay thức uống giảm cân giữ dáng tuyệt vời. Gừng có vị cay, tính ấm kích thích tiêu hóa và hỗ trợ đốt cháy mỡ thừa trong cơ thể. Trong khi đó, mật ong có tác dụng làm sạch dạ dày, nuôi dưỡng làn da.
- Hàng ngày bạn có thể thưởng thức món tráng miệng từ sữa chua với gừng và mật ong để giữ dáng. Theo đó, bạn có thể cho thêm vài sợi gừng mỏng, 1 muỗng nhỏ mật ong vào hộp sữa chua, khuấy đều và thưởng thức.
- Hoặc: Mỗi ngày bạn có thể thêm vào thực đơn giảm cân một ly nước gừng thanh nhiệt giúp thanh lọc cơ thể và tinh thần sảng khoái. Bạn chỉ cần cho 1 muỗng mật ong với ít gừng tươi đập dập vào ly nước ấm, khuấy đều và thưởng thức.
Gừng ngâm giấm
- Món gừng ngâm giấm vừa có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, vừa có thể giúp cơ thể thải độc, làm sạch gan, vừa giúp đốt cháy calo hiệu quả.
- Nguyên liệu: ½ kg gừng tươi, 1 lọ giấm gạo, 1 bình thủy tinh có nắp.
- Cách làm: Gừng tươi mua về cạo sạch vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng. Sau đó, xếp gừng vào một chiếc bình thủy tinh, cho giấm gạo vào. Phần giấm ngập phần gừng rồi đậy kín nắp. Để khoảng 4-5 ngày thì có thể lấy ra ăn. Bạn có thể ăn món gừng ngâm giấm trong bữa cơm hoặc trước khi ăn nếu gừng không quá chua nhé.
Giảm mỡ bụng bằng phương pháp chườm muối gừng
- Phương pháp chườm muối gừng có hiệu quả đánh tan nhanh mỡ bụng đồng thời giúp tuần hoàn máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Nguyên liệu: 1kg gừng, ½ kg muối
- Cách làm: Gừng đập dập trộn chung với muối, cho vào nồi đem rang vàng. Sau đó, cho hỗn hợp này vào túi vải ở nhiệt độ thích hợp rồi đem chườm lên bụng. Kết hợp mát-xa và chườm muối gừng này sẽ giúp cho mỡ bụng nhanh chóng tan đi. Đây là một trong những phương pháp giảm mỡ bụng sau sinh hiệu quả được nhiều chị em lựa chọn.
- Bí quyết giảm mỡ bụng với gừng giúp chị em xóa tan nỗi lo về mỡ thừa và yên tâm lo cho công việc, gia đình của mình.
Nguồn suckhoedoisong
Bài thuốc:
TT | Bài thuốc | Thành phần | Cách sử dụng |
| Tán hàn giải biểu: các chứng ngoại cảm phong hàn, đau đầu ngạt mũi | Gừng tươi 12gTô diệp 8gPhòng phong 12g | Sắc uống. Có thể kết hợp thuốc hạ nhiệt giảm đau Tây y (như paracetamol, decolgen, efferalgan) |
| Làm ấm dạ dày, cầm nôn mửa | Sinh khương 12gBán hạ 12g | Sắc uống |
| Ôn trung hồi dương: dùng cho người tỳ vị dương hư, tứ chi lạnh ngắt, mạch yếu muốn tắt | Can khương 16gPhụ tử chế 12gChích thảo 4g | Sắc uống |
| Ấm tỳ cầm tả: chữa tiêu chảy vì tỳ hàn, phân loãng không thối, sôi bụng đau thắt | Gừng nướng 60g(bào khương) | Giã, rang, bọc bằng vải đắp lên rốn (phủ trên huyệt đan điền), đặt trong 1-2 giờ |
| Ấm vị cầm mửa: Trường hợp hàn uất xâm phạm vào vị, nôn mửa ra nước trong | Can khươngNhân sâmBán hạ(Liều lượng bằng nhau) | Nghiền thành bột, dùng nước gừng làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8-12g |
| Ấm kinh cầm máu: dùng cho chứng hư hàn mà thổ huyết, đái ra máu, băng huyết | Can khương | Can khương đốt tồn tính nghiền mịn thành bột. Mỗi lần 2-4g, uống bằng nước ấm |
| Trị phụ nữ băng huyết | Can khương 8gTông bì 12gÔ mai 12g | Tất cả đốt thành tro, nghiền mịn. Uống với nước |
| Ấm phổi dịu ho: dùng khi khí lạnh vào phổi gây ho hen | Phục linh 12gCam thảo 4gNgũ vị tử 4gCan khương 4gTế tân 2g | Sắc uống |
Kiêng kỵ: Âm hư nội nhiệt sinh ho, biểu hư làm ra mồ hôi nhiều hoặc mất máu không nên dùng.