Ăn gạo lứt muối mè tránh tái phát bệnh hiểm ngèo – Đó là khẳng định của BS Nguyễn Hoài Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Nhi, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Ông công bố đã hướng dẫn cho một số người sau điều trị Tây y thực hiện phương pháp thực dưỡng – ăn gạo lứt muối mè đã hỗ trợ phòng chống 7 – 8 năm
Tự mình thử nghiệm
Ở tuổi 83, sống một mình trong căn hộ nhỏ tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội, BS Đỗ Hoài Nam trông gầy gò nhưng vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông vẫn có thể tự đạp xe đi hướng dẫn và thăm người bệnh.
Trong thời gian công tác ở Khoa Nhi, ông đau đớn khi chứng kiến cảnh nhiều em nhỏ bị ung thư, điều trị bằng đủ các phương pháp nhưng sự sống cũng chỉ kéo dài được 1 – 2 năm. Vì vậy, từ năm 1990, ông bắt đầu tìm tòi nghiên cứu đến các phương pháp khác để giúp đỡ người bệnh.
Khi đó tại viện 108, BS Lê Minh đã nghiên cứu hướng dẫn cho nhiều người sử dụng có kết quả nên ông cũng áp dụng cho mình. Bởi bản thân ông vốn bị bệnh hen, trào ngược dạ dày thực quản, suy nhược thần kinh mạn tính.
BS Nguyễn Hoài Nam giới thiệu cách ăn gạo lứt muối vừng.
Chữa trị Tây y không dứt được bệnh, đặc biệt bệnh suy nhược thần kinh mất ngủ liên miên, có khi kéo dài cả tháng trời, thuốc ngủ cũng chẳng có tác dụng. Ông thực hiện ăn gạo lứt muối vừng thì từ đó đến nay, bệnh thuyên giản dần. Hiện tại dù tuổi cao nhưng ông vẫn ngủ được cả đêm. Từ đó ông bắt đầu hướng dẫn phương pháp này cho các bệnh nhân ung thư, bị bệnh mạn tính.
Không áp dụng đúng cách dễ chết đáng tiếc
BS Nguyễn Hoài Nam cho biết, chế độ thực dưỡng ít mỡ động vật, ít đạm động vật thường cho kết quả nhanh chóng với các bệnh huyết áp, hạ mức mỡ trong máu; cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân quá khả năng phục hồi, nhất là các bệnh ung thư, đột quỵ, bệnh mạn tính…Với bệnh nhân ung thư, nhiều người thực hiện nhưng số người thực hiện đúng phương pháp thì rất ít nên kết quả cũng chưa nhiều. Riêng ông hướng dẫn và theo dõi những người thực hiện đúng thì có khoảng 10 người cả trong Nam ngoài Bắc hỗ trợ phòng chống trên 7 – 8 năm.
Như trường hợp bệnh nhân N.T.T. là y tá ở 40 Hàng Hành, Hà Nội bị ung thư vú di căn xương sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị không đáp ứng đã quay sang dùng phương pháp này. Bệnh ổn định được 8 năm, chị mới mất được vài tháng. Đặc biệt, bệnh nhân L.T.D. (47 tuổi ở ngõ 12, Đào Tấn, Hà Nội) bị ung thư phổi, điều trị hóa chất tại Singapore được trả về do suy thận nặng, nhờ áp dụng thực dưỡng tới nay sau 8 năm vẫn khoẻ mạnh…
Ngoài thông báo các ca thành công, BS Nguyễn Hoài Nam cũng đưa ra cảnh tỉnh về một số bệnh nhân tham gia phương pháp một cách không đúng dẫn tới cái chết đáng tiếc. Đó là một bệnh nhân ở Hà Nội, được Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 chẩn đoán u vòm hầu. Vì sợ mổ, bệnh nhân xin điều trị thực dưỡng.
Sau 10 ngày nhịn ăn, bệnh nhân hoàn toàn thoải mái, tươi tỉnh, không còn triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân đi kiểm tra, bác sĩ kết luận không thấy khối u, có thể do chẩn đoán cũ sai và khuyên bệnh nhân ăn uống thoải mái nhưng bệnh nhanh chóng tái phát và người bệnh đã chết rất nhanh…
Vẫn phải điều trị Tây y
Dù rất ngợi khen phương pháp thực dưỡng hỗ trợ phòng chống ung thư và khẳng định chỉ có ăn gạo lứt muối mè mới hỗ trợ phòng ngừa và khiến ung thư thuyên giảm nhưng BS Nguyễn Hoài Nam vẫn khuyên, khi đã phát hiện ra bệnh ung thư, nhất là ở giai đoạn muộn thì bắt buộc vẫn phải điều trị Tây y.
Bởi ăn gạo lứt muối mè phải ít nhất 4 tháng mới có tác dụng, trong khi bệnh ung thư tiến triển rất nhanh, nếu không điều trị thì có khi bệnh nhân chết vì bệnh trước khi phương pháp thực dưỡng có tác dụng. Vì vậy, ngay khi thực hiện điều trị Tây y là áp dụng ngay phương pháp này để hai mục tiêu đánh cùng một đích, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Còn khi điều trị Tây y xong, nên thực hiện đúng thực dưỡng, có như vậy bệnh tật mới bớt.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Hoài Nam, thực hiện thực dưỡng không hề đơn giản, dễ bị ngăn cản nếu không có niềm tin và ý chí thì dễ sai phạm hoặc bỏ dở nửa chừng. Đặc biệt, gạo lứt muối mè rất khó ăn, cứng lại đòi hỏi phải nhai rất kỹ để xuất tiết nhiều nước miếng được y sư gọi là “cam lộ” – sương ngọt của trời, có tác dụng thấm nhuần tạng phủ, nuôi dưỡng da thịt được tốt tươi, mát mẻ.
Trái lại nhai dối sẽ khiến thức ăn khó tiêu, bị sình thối sinh ra hơi độc. Ngoài ra, uống quá nhiều nước hoặc cố nhịn uống, nhịn ăn không cẩn thận… dễ gây ra kiệt sức hoặc những phản ứng mãnh liệt dẫn đến sự nguy hiểm cho sức khoẻ. Chính vì vậy, phương pháp này ở mỗi người là khác nhau, phải biết linh động thực hiện sao cho quân bình và điều độ mới có kết quả như ý.