Những nét căn bản trong quan hệ ngũ hành
Tính chất căn bản của ngũ hành cũng biểu thị các quy luật hoà hợp và mâu thuẩn giống như âm dương, nhưng nó bổ túc cho âm dương được phong phú hoàn bị hơn.
Người xưa cho rằng vạn vật đều do năm yếu tố Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ còn gọi là ngũ hành tạo nên. Nó nương tựa giúp đỡ, xúc tác lẫn nhau để phát triển điều hóa, còn gọi là sự tương sinh, tương khắc, chế hóa và tương thừa, tương vũ, sự vận hành liên tục nầy có tác dụng duy trì sự quân bình tất yếu trong vạn vật.
Căn cứ theo sinh khắc của Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) tương ứng trong tạng phủ, khoa dinh dưỡng cổ truyền đã rút ra một số quy luật sử dụng thức ăn như sau:
– Những thức ăn mặn bổ tim, tả thận. Cay bổ can tả phế. Ngọt bổ tỳ tả tâm. Chua bổ phế tả can. Đắng bổ thận tả tỳ. Như vậy nếu ăn một thứ quá bổ cho tạng này thì hại cho tạng khác.
– Tính chất mỗi tạng phủ cũng có những sự ưa thích khác nhau.
❒ Gan: Thức ăn ấm bổ, thức ăn mát tả, thức ăn cay bổ, ăn chua tả, thức ăn thanh đạm và ngọt thì bình hòa (bình bổ bình tả).
❒ Tim: thức ăn nóng bổ, thức ăn lạnh tả, mặn bổ, ngọt tả. Thức ăn có vị chua đối với tim lại bình hòa.
❒ Phổi: Thức ăn mát bổ, thức ăn nhiệt tả, thức ăn chua bổ, cay tả. Thức ăn có vị đắng bình hòa.
❒ Thận: Thức ăn hàn bổ, thức ăn nhiệt tả, đắng bổ, mặn tả, các thức ăn cay bình hòa.
❒ Tỳ: Thức ăn ôn nhiệt bổ, thức ăn hàn tả, ngọt bổ, đắng tả, thức ăn có vị mặn bình hòa.
Trong Hoàng đế Nội kinh có nêu:
“Ăn quá nhiều chua can khí sẽ bị ẩm ướt, tỳ khí sẽ tuyệt, ăn quá mặn đại cốt nhọc mệt, cơ nhục sa sút, tâm khí bị chèn ép. Ăn quá ngọt tâm khí thở gấp và đầy, da xạm đen, thận khí không yên. Ăn quá đắng tỳ khí không thấm nhuần, vị khí sẽ quá hậu, ăn quá cay gân mạch rã rời, tinh thần sẽ bị hại. Vì thế phải cẩn thận điều hòa 5 vị khiến cho xương cứng gân mền, khí huyết lưu thông, tấu lý sẽ bền chặt kín đáo, như thế sẽ vô bịnh và sống lâu. (Theo Hoàng Đế Nội Kinh/ thiên Sinh khí thông thiên luận).
Theo khoa Dinh dưỡng Cổ truyền thì khuyên con người nên chọn thức ăn cho đúng quân bình âm dương và thích nghi với bản chất ngũ hành của từng tạng phủ để duy trì sự điều hòa của toàn cơ thể.