Gạo lứt có thể giảm nguy cơ bệnh tiểu đường type 2? Trong thập kỷ gần đây, số người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đã tăng chóng mặt trên thế giới. Đây được xem như một căn bệnh của xã hội hiện đại, khi mà cơ thể con người tiêu thụ quá nhiều ngũ cốc tinh chế chẳng hạn như gạo trắng, bột tinh chế.
Một nhóm các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng của trường Đại học Harvard đã nghiên cứu việc con người có nên chuyển từ chế độ ăn gạo trắng sang gạo lứt để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã phát động chính sách dinh dưỡng toàn cầu, hợp tác với khoa Dịch tễ học – Dinh dưỡng tại HSPH và các đồng nghiệp của họ ở châu Á, Mỹ Latin và Châu Phi. Mục đích của nhóm là muốn ngăn chặn bệnh tiểu đường bằng cách cải thiện lượng carbonhydrate trong chế độ ăn của người dân từ khắp nơi trên thế giới.
Carbonhydrate tinh chế như gạo trắng có chỉ số đường huyết cao, tác động nhanh chóng vào lượng đường trong máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt được chuyển hóa chậm gây ra sự thay đổi thấp và chậm hơn lượng đường trong máu. Mặc dù gạo lứt giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng ngày nay, ở một số nền văn hóa, ăn gạo trắng và cacbonhydrate tinh chế khác như bánh mỳ trắng được xem là văn minh, hiện đại. Ví dụ như ở Trung Quốc, những người giàu thường ăn gạo trắng có bóng cao, còn gạo lứt thường chỉ dành cho những người nghèo.
Năm 2008, nhóm bắt đầu nghiên cứu ở Thượng Hải, Trung Quốc. Họ tập trung đánh giá nhận thức và sự chấp nhận của 32 người lớn về gạo lứt. Sau đó, kiểm tra tính khả thi của việc giới thiệu gạo lứt vào khẩu phần ăn của mọi người. Trước khi nếm thử các sản phẩm từ gạo lứt, hầu hết những người tham gia cho rằng loại gạo này kém hương vị và chất lượng so với gạo trắng. Tuy nhiên, sau khi nếm thử gạo lứt và tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của nó, phần lớn số người tham gia đã sẵn sàng sử dụng gạo lứt thay cho gạo trắng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Trong nghiên cứu thí điểm tiếp theo, các nhà khoa học phân chia ngẫu nhiên 202 người trung tuổi để sử dụng gạo trắng và gạo lứt trong vòng 16 tuần. Mặc dù có sự khác biệt trong tổng thể các yếu tố chuyển hóa được tìm thấy giữa hai nhóm, nhưng sự can thiệp của gạo lứt cho thấy lợi ích của việc cải thiện HDL cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu. Nghiên cứu này đã chứng minh tính khả thi của việc nên sử dụng gạo lứt lâu dài ở Trung Quốc.
Nghiên cứu tiếp theo được tiến hành tại 8 quốc gia là Costa Rica, Ấn Độ, Kenya, Kuwait, Mexico, Nigeria, Puerto Rico và Tanzania để đánh giá hiệu quả của việc thay thế toàn bộ các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt cho các cacbonhydrate tinh chế ở khẩu phần ăn của người có nguy cơ hoặc đã mắc bệnh tiểu đường. Sau đó, đánh giá sự chấp nhận gạo lứt của cộng đồng. Kết quả là phần lớn mọi người đã nhìn ra các những lợi ích dinh dưỡng của gạo lứt và đồng ý sử dụng lâu dài.
Giảng viên dinh dưỡng cao cấp của đại học Harvard, Bà Hannia Campos nói: “Chúng tôi hi vọng rằng dự án này thay đổi xu hướng tiêu thụ thực phẩm của mọi người và tác động đến việc sản xuất, chế biến thực phẩm. Mọi người nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt”. Bà mong các học giả, các quan chức chính phủ, thậm chí các ngành công nghiệp nhận ra tầm quan trọng của sáng kiến này và đóng góp ý kiến cho nhóm nghiên cứu. Điều này sẽ giúp truyền cảm hứng cho những người trung niên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao sử dụng gạo lứt để cải thiện sức khỏe.
Hội nghị của Gnet về dự án này tổ chức tại HSPH vào ngày 14/11/2011 đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới.
Theo hsph harvard
Thu Nguyễn dịch