Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ được tư vấn để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với nhiều phụ nữ, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên có thể kiểm soát được bệnh; một số phụ nữ cần dùng thuốc.
Bạn sỹ sẽ hướng dẫn bạn theo dõi chặt chẽ đường huyết của bạn và thai nhi. Lượng đường trong máu thường được đo bằng số mmol glucose trong một lít máu. Việc kiểm tra đường huyết diễn ra sau khi bạn không ăn trong khoảng 8 giờ (thường vào buổi sáng) và sau khi ăn một hoặc hai giờ. Bạn sẽ được thông báo khi nào và bao lâu thì cần phải kiểm tra lượng đường trong máu. Nếu bệnh tiểu đường của bạn đang được điều trị bằng insulin, bạn có thể cần phải kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ vào ban đêm. Việc điều trị tiểu đường thai kỳ cụ thể như sau:
1. Chế độ ăn
Bạn cần phải thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát tiểu đường thai kỳ. Không được bỏ bữa ăn vì như thế sẽ không đủ dinh dưỡng cho bạn và thai nhi. Cách tốt nhất là nên ăn thường xuyên, ăn uống cân bằng với một lượng tinh bột có chỉ số đường huyết thấp, cơ thể sẽ hấp thụ carbonhydrate chậm hơn, giúp giữ lượng đường trong máu ổn định giữa các bữa ăn.
Nên chọn ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, phở gạo lứt, lúa mạch đen, yến mạch. Những thực phẩm này rất giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của bạn và ngăn ngừa chứng táo bón là hiện tượng phổ biến khi mang thai.
Nên ăn nhiều trái cây và rau quả để được cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Tránh những hoa quả ngọt như dứa, mít, sầu riêng và nước hoa quả đóng hộp
Nến ăn các loại đậu đỏ, đậu xanh, đậu tương. Hạn chế đường và thức ăn có đường
Bạn không cần phải có một chế độ ăn uống không đường. Đường có thể sử dụng trong thực phẩm và trong nấu nướng như một phần của chế độ ăn lành mạnh, nhưng sử dụng một cách hạn chế. Uống không đường, không pha thêm đường trong các bữa ăn.
Bạn nên chọn các thực phẩm chứa nhiều protein không béo như cá. Ăn 2 bữa cá mỗi tuần là rất tốt cho bà mẹ và thai nhi. Nên chọn các loại cá như cá mòi, cá thu, cá hồi. Tránh các loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá ngừ.
2. Tập thể dục
Hoạt động thể chất làm giảm mức độ glucose trong máu, vì vậy thường xuyên tập thể dục là một cách điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường thai kỳ.
Nếu trước khi mang thai, chỉ số BMI của bạn là hơn 27, bạn nên tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 150 phút một tuần. Bạn có thể tập thể dục bằng cách đi bộ nhanh, đi xe đạp hoặc tập yoga.
3. Thuốc
Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không kiểm soát được lượng đường trong máu của bạn sau một hến hai tuần, bạn có thể được bác sỹ kê đơn thuốc. Loại thuốc và thời gian sử dụng thuốc khác nhau, tùy thuộc vào nồng độ glucose trong máu của bạn. Thuốc có thể bao gồm insulin và metformin ở dạng viên nén. Bạn có thể cần phải chích insulin để đảm bảo cơ thể có đủ insulin, hạ thấp lượng đường trong máu. Khi phải tiêm insulin, bạn nên lưu ý về triệu chứng hạ đường huyết. Insulin có thể được tiêm trước khi ngủ hoặc thức dậy theo chỉ định của bác sỹ. Việc này an toàn trong khi mang thai, tuy nhiên vẫn phải kiểm tra chặt chẽ đường huyết. Sau khi sinh em bé, bạn không phải dùng thuốc nữa
4. Theo dõi thai nhi
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, thai nhi có nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như thai quá lớn so với tuổi thai. Bác sỹ sẽ cung cấp thông tin này khi bạn đi khám thai định kỳ. Vào tuần thứ 18-20 của thai kỳ, bác sỹ sẽ kiểm tra tim thai xem có dấu hiệu bất thường gì không (nếu tiểu đường thai kỳ chuẩn đoán muộn, bạn có thể không được cung cấp thông tin này), siêu âm ở tuần thứ 28, 32, 36 và thường xuyên kiểm tra từ tuần thứ 38 để theo dõi sự phát triển của em bé và lượng nước ối của mẹ.
Bạn có thể chờ đợi em bé ra đời một cách tự nhiên nếu lượng đường trong máu của bạn và kết quả siêu âm của em bé là bình thường, và không có vấn đề gì khác trong thai kỳ. Nếu em bé quá lớn so với tuổi thai, bác sỹ sẽ thảo luận với bạn ở tuần thứ 36-38, và can thiệp để đưa em bé ra ngoài bằng biện pháp mổ lấy thai. Khi sinh em bé, glucose của bạn sẽ được kiểm tra mỗi giờ và được giữ ở mức 4-6 mmol/l.
5. Sau khi sinh
Khoảng 2-4 giờ sau khi sinh, bác sỹ sẽ kiểm tra glucose trong máu của em bé, thường là trước khi ăn bữa thứ 2 của em bé. Nếu đường huyết của bé còn rất thấp, không được khỏe thì bác sỹ sẽ giám sát chặt chẽ và chăm sóc tại khoa sơ sinh.
Sau khi bạn sinh con, bất cứ loại thuốc bạn đang dùng để kiểm soát lượng đường trong máu thường sẽ được dừng lại ngay lập tức. Mức độ đường trong máu sẽ được kiểm tra lại sau sinh khoảng 6-12 tuần, để chắc chắn bạn đã hết bệnh tiểu đường. Nên theo dõi trọng lượng của bạn để có một chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý.