Phương pháp Ohsawa kết hợp với thiền – Ông có nghĩ rằng phương pháp Ohsawa cần phải kết hợp với “Thiền” để “tăng cường sức mạnh” của một phép thực dưỡng hay không?
Khi chúng tôi dịch quyển Zen Macrobiotics ra đề tựa “Phương pháp Trường sinh và Đạo Thiền” là để làm nổi bậc chỗ “chơi chữ” của Tiên sinh Ohsawa, bởi lẽ chữ “Zen” trong Nhật ngữ có nhiều nghĩa mà hai có liên quan đến vấn đề Thực phẩm và Thiền. Toàn bộ quyển sách, Ohsawa không đề cập gì đến Thiền như trong các kinh sách tôn giáo mà ròng về cách ăn uống làm sao cho đúng phép. Từ đó vấn đề “Satori” (Ngộ) sẽ không cầu mà được, tức là trí phán đoán tối cao của chúng ta bấy lâu nay bị che lấp sẽ được khai mở trọn vẹn, như ánh sáng mặt trăng, mặt trời một khi thoát ra khỏi đám mây mù che phủ. Vấn đề chỉ là thế thôi nhưng đầy ẩn ý. Tiên sinh không đưa vào phương pháp Macrobiotics một hệ tư tưởng tôn giáo nào, dầu hệ đó có là Thiền chăng nữa. Vì sao? Vì nhan nhản trong tác phẩm, Tiên sinh thường nói rằng Y học Viễn Đông là mẹ đẻ của tất cả nền văn mình và mọi tôn giáo Đông phương. Đã là gốc gác thì thêm râu ria vào nữa làm gì. Mà thực ra râu ria nó có mọc ra đấy. Râu ria thật sinh ra tự da thịt của một thân thế sinh hoạt theo luật thiên nhiên “Thân thổ bất nhị”.
Thành thử trong pháp môn thuần khiết Âm Dương tuy đơn sơ dễ hiểu những chứa vô vàn điều kỳ diệu mà chúng ta chưa phát giác ra, chúng ta không nên đem những thành quả hay phương pháp tâm linh gọi là “Thiền” để làm phức tạp vấn đề trường sinh, thực dưỡng vì nếu có đọc “Châm cứu và nền Triết học Viễn Đông” (cùng người dịch), chúng ta sẽ thấy rằng nền tảng của tòa lâu đài giác ngộ ở Đông phương phải được xây dựng trên cơ sở sinh vật học và sinh lý học tức là trên thức ăn đặc và lỏng, chứ nếu chỉ dùng thực phẩm tâm linh thì điều ấy rất nguy hiểm. Còn nếu dùng cả hai thì cũng tốt thôi, nhưng chúng tôi thiết nghĩ coi chừng vấn đề trở thành phức tạp nếu người thực hành phương pháp thực dưỡng ham hố hay đi lạc qua một đường lối không cơ bản.
Đã là con người, trước khi đi vào con đường thực dưỡng, không ai là không mang trong lòng một vấn đề đang cần giải quyết hay nan giải, phương pháp Ohsawa sẽ giúp cho họ nhìn vấn đề không còn mù mờ như trước mà sẽ rõ ràng hơn, ngay cả vấn đề tâm linh mà bấy lâu nay chúng ta hằng ấp ủ. Tiến trình ấy xảy ra rất tự nhiên làm con người rất thoải mái, không tu mà được.
Và chúng tôi xin nói cho rõ hơn một chút, một khi “thiền” nằm ở đầu môi chót lưỡi, không thuộc bản thể của vạn pháp tức giáo ngoại vô ngôn vô ngữ, thì nó thành một loại mạt vàng dính vào tròng con mắt mình. Quý đâu chưa thấy chứ nó làm con mắt, vốn không được dính bất cứ vật gì mới tốt, lại bị xống xang, vô cùng khó chịu.