Những món ăn thực dưỡng từ gạo lứt

Những món ăn thực dưỡng bổ dưỡng từ gạo lứt – Gạo lứt muối mè là món ăn chính trong thực dưỡng.

1. Cơm lứt cuốn rong biển
Thành phần:
Gạo lứt trắng: 200 gam, muối hầm: 1/3 thìa cà phê, mơ muối: 1 quả hoặc vài giọt dấm mơ muối, tía tô rắc cơm (tía tô ngâm nước mơ muối và đem phơi khô tán bột): 2 thìa cà phê. Hoặc có thể dùng lá tía tô tươi, rong biển nori sấy khô: hai lá to, Ca-la-thầu (củ cải dầm tương): 15 gam
Cách chế biến:
Gạo lứt trắng, mơ muối (xé nhỏ), muối hầm ngâm trong 1 lít nước khoảng 3 tiếng, rồi nấu như bình thường. Có thể nấu nồi cơm điện, hoặc tốt nhất là nấu cách thuỷ, hạt cơm sẽ dẻo và căng tròn như xôi. Nắm cơm thành những nắm nhỏ, cho thêm vài miếng ca-la-thầu làm nhân. Lăn nắm cơm qua “tía tô rắc cơm”, hoặc có thể lấy lá tía tô tươi đem băm vụn, rồi rắc lên bề mặt nắm cơm. Rong biển cắt thành miếng dài vừa đủ để cuộn cơm, cuộn chặt tay.
2. Cháo gạo lứt
Thành phần:
Gạo lứt đỏ: 200 gam, đậu đỏ: 15 gam, rong biển Phổ tai: 1 miếng to bằng 1/2 bàn tay, mơ muối: 1 quả (hoặc vài giọt nước mơ muối lâu năm), nghệ hoặc bột nghệ: chút bột nghệ bằng hạt ngô, 10 hạt sen tươi hoặc 5 gam sen khô, muối hầm: 1/2 thìa cà phê.
Cách chế biến:
Gạo lứt, đậu đỏ vo đãi sạch. Luộc sôi đậu đỏ rồi vớt ra để ráo. Cho gạo lứt, đậu đỏ, hạt sen, phổ tai, mơ muối (cắt nhỏ), bột nghệ, muóoi hầm ngâm với 1 lít nước trong nồi áp suất khoảng 20 phút, tắt bếp, để nửa tiếng sau đun tiếp lần 2 trong 20 phút. Có thể lấy cơm lứt nấu thành cháo rất ngon và nhanh. Có thể cho thêm rau củ theo mùa vào thành món cháo thập cẩm. Khi cho rau củ thì không ninh ngay từ đầu vì sẽ bị nồng. Nên hầm hoặc luộc rau củ riêng rồi ninh cùng cháo khi đun lần 2. Có thể ăn kèm rau thơm, hành lá. Món cháo gạo lứt ăn rất hợp vị với ca-la-thầu (củ cải ngâm tương).
3. Cơm cốm gạo lứt
Thành phần:
Gạo lứt đỏ: 300 gam, đậu đỏ: 15 gam, đậu xanh (mua sẵn loại đã đồ): 150 gam, cốm: 200 gam, vừng, hành khô, rong biển Phổ tai: 1 miếng to bằng 1/2 bàn tay, mơ muối: 1 quả (hoặc vài giọt nước mơ muối lâu năm), nghệ hoặc bột nghệ, muối hầm: 1/2 thìa cà phê.
Cách chế biến:
Gạo lứt, đậu đỏ vo đãi sạch. Luộc sôi đậu đỏ rồi vớt ra để ráo. Cho gạo, đậu đỏ, mơ muối, phổ tau, bột nghệ, muối hầm vào nồi áp suất với 1 lít nước rồi ngâm trong khoảng 1 – 3 giờ, sau đó vặn chặt nắp và ninh trong 15 phút, tiếp đó hạ nhỏ lửa và đun thêm 20 phút. Hạt cơm và đậu đỏ sẽ căng tròn và dẻo như xôi.
Cơm gạo lứt đậu đỏ, đậu xanh, cốm bày ra đĩa thành từng lớp, rải thêm hành khô lên đậu xanh, rắc chút vừng lên cơm gạo lứt.
4. Cơm lứt hạt kê hoặc bắp
Thành phần: 1 lon gạo lứt, 2 1\4 lon nước lã, 1\4 lon kê, 1\4 muỗm cà phê muối
Cách chế biến cơm gạo lứt:
Đãi kê, ngâm 15 phút rồi vớt ra để ráo.
Đãi gạo, ngâm nước 1.30 đến 2 giờ thì vớt ra. Thêm nước sạch vào nước ngâm cho đủ 2 lon đổ vào nồi, đậy vung, đun lửa lớn cho nhanh sôi. Bỏ gạo vào, dùng đũa khuấy đều rồi đậy vung lại, để sôi lại 10 phút. Mở vung, nêm muối, khuấy đảo nhẹ và nấu gạo với nước. Cơm cạn nước, mở vung, bỏ kê vào, dùng đũa trộn đều và đậy vung nấu tiếp cho chín. Ăn với muối mè
Cơm lứt hạt kê tốt cho người Âm tạng, béo phệ, phù nề, bị tai biến mạch não hoặc ăn muà lạnh làm ấm người.

Gạo lứt muối mè

Gạo lứt muối mè


5. Cơm gạo lứt muối mè
Thành phần: 5 lạng gạo lứt đỏ Miền Nam, 1 miếng phổ tai 1/2 bàn tay, đỗ đỏ1 nắm, hạt sen 30 hạt, muối hầm 1/2 thìa cà phê.

Cách chế biến chưng cách thủy bằng nồi áp suất: Một chén gạo lứt nấu với hơn một chén nước. Nếu cơm khô, thêm nước; nếu cơm nhão, bớt nước (1 ký gạo lứt + 1 muỗng cà phê muối hầm). Gạo lứt + nước + muối để vô tô và đặt tô này vào nồi áp suất có nước. Nước trong nồi áp suất cho vừa đủ để khi nấu sôi lên không bị tràn nước vào tô gạo. Bật lửa, chưng cách thủy tô gạo lứt đã có nước, đến khi nghe sôi kêu nồi đợt đầu 15 phút, tắt lửa, để yên đó. Sau 20 phút, bật lửa lên nấu tiếp, nghe sôi kêu nồi đợt hai 5 phút thì tắt lửa. Để 30 phút sau là chín cơm.

Bài viết liên quan