Gạo lứt bạn của sức khỏe – Ăn gạo lứt để phòng bệnh
Giàu các chất dinh dưỡng nên gạo lứt có tác dụng phòng ngừa một số bệnh lý:
– Hàm lượng chất xơ cao hơn 3 lần so với gạo trắng nên gạo lứt là nguồn cung cấp chất xơ cho cơ thể. Chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ giúp phòng chống táo bón, rối loạn mỡ máu và một số bệnh lý tim mạch.
– Do có lớp cám bên ngoài nên chất bột đường có trong gạo lứt sẽ được cơ thể tiêu hóa và chuyểnthành đường chậm, không làm tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn. Vì vậy, nó có lợi trong việc giúp kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
– So với gạo trắng, gạo lứt có chỉ số no cao hơn, do đó sẽ tạo cảm giác no nhanh, giúp giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Vì vậy, cơm gạo lứt thích hợp cho bệnh nhân thừa cân, béo phì. Ngoài ra, việc ăn gạo lứt cũng đòi hỏi ăn chậm, nhai kỹ. Điều này giúp cho não nhận biết tình trạng no chính xác hơn. Do vậy, quá trình điều khiển năng lượng nạp vào sẽ phù hợp hơn, giúp phòng ngừa thừa cân, béo phì hiệu quả.
– Trong gạo lứt còn chứa nhiều vitamin B1, giúp chuyển hóa tinh bột và hỗ trợ tích cực cho việc dẫn truyền của dây thần kinh. Ngoài ra, còn giúp phòng ngừa tình trạng phù do thiếu vitamin B1.
– Trong lớp vỏ cám của gạo lứt còn có một loại dầu cám gạo, chứa chất dầu tocotrienol fator (TRF) có tác dụng loại bỏ những yếu tố gây huyết khối trong mạch máu, giúp chống đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, trong dầu cám còn chứa vitamin E có tác dụng chống lão hóa, chất selen có tác dụng vừa chống lão hóa vừa chống lại sự hủy hoại, biến dị tế bào, giúp phòng ngừa được ung thư.
Đừng “ghiền” gạo lứt muối mè
Ăn nhiều gạo lứt với muối mè giúp phòng ngừa một số bệnh về tim mạch và chống lão hóa do có chứa nhiều vitamin và các chất béo chưa bão hòa. Chính vì lý do này nên rất nhiều người thích ăn và có thể ăn trường kỳ. Đây là một sai lầm, vì nếu chỉ ăn gạo lứt với muối mè trong 1 thời gian dài thì sẽ có nguy cơ thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như đạm (cần cho sự tăng trưởng của trẻ nhỏ), vitamin B12 cần cho sự tạo thành tế bào máu. Đồng thời, cũng không đảm bảo nhu cầu vitamin (beta-caroten, vitamin C), khoáng chất (sắt, kẽm), lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng.
Chế độ ăn hàng ngày, đặc biệt ở trẻ nhỏ, cần phải đủ các nhóm tinh bột, đạm, béo, chất khoáng, nước. Nếu ăn cơm gạo lứt, vẫn nên thêm các loại rau, nước trái cây, đậu hũ, sữa đậu nành, sữa và các sản phẩm từ sữa mới đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể phát triển và hoạt động.
Nếu muốn bắt đầu chế độ ăn hằng ngày bằng ăn gạo lứt muối mè, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.