Những món ăn hỗ trợ cho bệnh viêm phế quản – Thời tiết mùa thu đông là điều kiện lý tưởng để bệnh lý đường hô hấp phát sinh và tái phát, đặc biệt là bệnh viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi
Đông y có khá nhiều phương cách rất đáng lưu tâm xem xét và sử dụng. Dưới đây xin được giới thiệu một số bài thuốc điển hình để độc giả tham khảo và vận dụng khi bị viêm phế quản mãn tính:
Bài 1: Lá sơn tra (bỏ lông) 70g, xuyên bối mẫu 7g, đường mạch nha 70g, mật ong lượng vừa đủ. Đem lá sơn tra sắc 2 lần lấy nước rồi hòa với bột xuyên bối mẫu, mật ong và đường mạch nha, cô thành cao, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: Tuyên phế, hóa đàm, chỉ khái. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30g với nước ấm.
Bài 2: Vừng đen 250g, gừng tươi 120g, đường phèn 120g, mật ong 120g. Vừng đen sao chín sấy khô, tán bột rồi trộn với nước cốt gừng, mật ong và đường phèn đập vụn đem hấp chín, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: Nhuận phế vị, bổ can thận, chỉ khái bình suyễn. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20g.
Bài 3: Củ cải 1.000g, mật ong 100g, nước muối nhạt lượng vừa đủ. Củ cải rửa sạch thái miếng cỡ bằng ngón tay, đem ngâm trong mật ong 1 ngày rồi lấy ra đem sao lửa thật nhỏ trong 30 phút (chú ý đảo liên tục tránh bị cháy), sau đó lại cho thêm mật ong sao đi sao lại vài lần cho đến khi mật ong kết lại là được, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: Tiêu trệ tán ứ, bổ trung ích khí. Ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 – 3 miếng, dùng nước muối nhạt chiêu cùng.
Bài 4: Hạt củ cải trắng 250g, quả lê 250g, ngó sen 250g, quất hồng 120g, đào nhân 120g, mật ong 500g. Các vị thuốc đem sắc kỹ lấy nước, cô đặc thành dạng cao rồi cho mật ong vào đảo đều, bảo quản trong lọ sành dùng dần. Công dụng: Nhuận phế hóa đàm, bổ thận nạp khí, chỉ khái bình suyễn. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 – 20g.
Bài 5: Trứng gà 1 quả, mật ong 35g. Đun sôi mật ong bằng lửa nhỏ, cho thêm một chút nước rồi đập trứng vào nấu chín. Công dụng: Nhuận phế chỉ khái. Ăn mỗi ngày 1 lần.
Bài 6: Cam thảo 6g, giấm ăn 10g, mật ong 30g. Tất cả cho vào chén, hãm nước sôi uống thay trà. Công dụng: Nhuận phế chỉ khái.
Bài 7: Nước ép ngó sen, gừng tươi, lê tươi, củ cải, mía tươi, măng tre tươi đem trộn với mật ong rồi hấp cách thủy, uống tùy thích. Công dụng: Sinh tân dưỡng dịch, thanh nhiệt hóa đàm, dùng tốt cho người bị viêm phế quản mạn tính thể đàm nhiệt.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn
Theo Sức khỏe đời sống
Một số món ăn thức uống nên dùng khi bị viêm phế quản cấp tính:
– Dùng hoa đu đủ đực phơi khô 20 g, hấp với đường phèn 50 g, ăn lúc còn ấm.
Hoa đu đủ đực tốt cho bệnh nhân viêm phế quản cấp tính. Ảnh: quangbinh |
– Dùng hoa khế tươi 30 g, gừng (sao) 10 g, nấu với 200 ml nước sôi 5 phút, để uống lúc còn ấm.
– Khế xắt miếng nhỏ 50 g, nước cốt chanh 1,5 muỗng cà phê, đường phèn 20 g, nước cốt gừng 1 muỗng cà phê. Hòa với 200 ml nước sôi, ngâm khoảng 5 phút, dùng ăn sau bữa cơm.
– Cải xoong 100-200 g, lá tía tô 50 g, gừng 2–3 lát. Nấu với 3 chén nước, sắc cô lại còn 1 chén, chia làm 3 lần, mỗi lần uống cách nhau 3 giờ, uống lúc còn nóng.
– Cháo gừng hành: Hành trắng 7 cây, gừng tươi 12 g, gạo nếp 60 g, giấm ăn 1 g, muối 3 g. Gừng gọt bỏ vỏ ngoài, dùng nước rửa sạch, xắt sợi nhỏ. Hành trắng rửa sạch xắt vụn. Gạo nếp đãi sạch cùng với gừng cho vào nồi, đổ nước vừa lượng, nấu trên lửa nhỏ thành cháo rồi cho hành vào nấu sôi, nêm muối, lát sau cho giấm vào là được.
– Tôm xào hẹ: Tôm sú hoặc tôm càng xanh 150 g, rau hẹ 100 g. Xào chín tôm với rau hẹ, dùng ăn trong bữa cơm (có thể xào rau hẹ hoặc bông hẹ với thịt nạc heo hay thịt bò).
– Cháo tôm sú, rau hẹ (hoặc hoa hẹ): Tôm sú 100 g, rau hẹ 50 g, hành tím 5 củ, hạt tiêu sọ 10 g, gạo tẻ 50 g, gia vị các loại.
Tôm làm sạch, ướp gia vị. Rau hẹ và hành rửa sạch, xắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Khi cháo chín, cho tôm vào, đảo đều rồi cho hẹ, hành vào, quậy đều và nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.
– Thịt heo xào rau cần, giá đậu xanh.
Thịt heo nạc 50 g, rau cần 100 g, giá 50 g, gừng 5 g, dầu ăn, nước tương (xì dầu) 10 g bột năng 20 g, trứng gà 1 quả.
Thịt nạc heo rửa sạch, cắt miếng; rau cần rửa sạch, cắt khúc; giá rửa sạch, bỏ rễ; gừng cắt lát; hành cắt khúc. Cho thịt nạc, trứng gà, bột năng, muối vào tô, đổ ít nước vào trộn đều. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào khử cho thơm, rồi đổ tô thịt heo đã trộn vào xào sơ, sau đó bỏ rau cần, giá vào xào chín là được. Mỗi ngày ăn hai lần.
– Củ cải trắng xào giấm.
Củ cải trắng 100 g, giấm 5 g, đường phèn 15 g, gừng 3 g, hành 10 g, muối một ít, dầu ăn lượng vừa đủ.
Củ cải trắng rửa sạch, cắt miếng. Đun chảo nóng, cho dầu ăn vào, đợi dầu nóng thì bỏ gừng, hành vào khử cho thơm, rồi cho tất cả nguyên liệu vào trộn đều, xào chín là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.
– Củ cải trắng hầm mật ong:
Củ cải trắng một củ lớn nặng khoảng 500 g, mật ong 60 g.
Củ cải gọt vỏ, rửa sạch, xắt thành từng miếng nhỏ. Thố sành đem rửa sạch, cho miếng củ cải vào, đổ mật ong và 50 ml nước, đậy nắp thố lại đem chưng cách thủy trên lửa nhỏ, khoảng 1 giờ là dùng được. Ăn mỗi ngày, hoặc 2-3 ngày ăn 1 lần.
– Nước hạnh nhân, mạch môn đông (lan tiên):
Hạnh nhân 6 g, mạch môn đông 10 g.
Hạnh nhân bỏ đầu nhọn và tạp chất, cho vào nước sôi nấu qua, vớt ra ngâm vào nước lạnh bỏ vỏ. Mạch môn đông bỏ tạp chất, rửa sạch bỏ vào nồi với hạnh nhân và nước vừa lượng, dùng lửa lớn nấu sôi rồi đổi dùng lửa nhỏ nấu 15-20 phút, lọc bỏ xác lấy nước. Uống nước thay trà thường xuyên.
Nếu ho khó khạc đàm, miệng khô, họng đau, sốt nhẹ, rêu lưỡi vàng mỏng, thì bệnh thuộc thể phong nhiệt, nên dùng bài thuốc Nam như sau:
Lá dâu tằm 12 g, rau má 12 g, bạc hà 10 g, hoa cúc 10 g, lá rau hẹ 10 g, lá chanh 8 g. Tất cả rửa sạch, nấu với 500 ml nước, sắc còn 200 ml. Người lớn chia 2 lần, uống ấm, sau bữa ăn. Trẻ em tùy tuổi, chia 3-4 lần cho uống, sau bữa ăn.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM