Máu nhiễm mỡ là gì? (mỡ máu cao) thực chất là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đó là tình trạng tăng nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol (LDL), trigliceride.
Ai là người có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ?
Thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
Bên cạnh đó máu nhiễm mỡ còn do biến chứng của các bệnh như: đái tháo đường, hội chứng thận hư, tăng urê máu, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu, uống thuốc tránh thai, một số thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta giao cảm, nhóm thuốc lợi tiểu thiazid. (chiếm khoảng 10% nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ)
Máu nhiễm mỡ có gây chết người không?
Câu trả lời là có nếu máu nhiễm mỡ không được điều trị kịp thời.
Bởi máu nhiễm mỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hình thành các mảng xơ vữa ở thành mạch máu, gây hẹp lòng mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não… Nặng nề hơn nữa là vỡ các mảng xơ vữa làm lấp mạch não (đột quỵ) hoặc nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Tăng triglyceride sẽ làm gan nhiễm mỡ, đề kháng insulin dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Ngoài ra nếu Triglyceride quá cao ( >1000mg/dl) có thể gây ra viêm tuỵ cấp.
Người gầy có bị máu nhiễm mỡ không?
Người gầy cũng có thể mắc máu nhiễm mỡ. Máu nhiễm mỡ thực chất là tình trạng rối loạn lipit máu. Tình trạng rối loạn này có thể xảy ra với bất kỳ ai, tuy nhiên những người béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người gầy. Người gầy nếu có chế độ ăn uống không lành mạnh: sử dụng rượu bia, hút thuốc, ăn nhiều nội tạng động vật sẽ có khả năng mắc bệnh máu nhiễm mỡ cao. Chính vì thế người gầy cũng không nên chủ quan, nên đi khám sức khỏe định kỳ để nếu có bệnh có thể phát hiện sớm.
Trong Đông y Máu nhiễm mỡ do nguyên nhân gì gây nên?
Máu nhiễm có thể do một số nguyên nhân sau:
+ Ăn uống không điều độ: Ăn nhiều những thức ăn mỡ, béo, uống rượu… làm tăng lượng mỡ lên, trong khi đó chức năng vận hóa của Tỳ lại bị suy giảm khiến cho lượng mỡ ứ đọng lại gây nên, hoặc do ăn uống thất thường làm cho Tỳ Vị bị tổn thương không vận hóa được dưỡng trấp, các chất béo không tan đi được, tụ lại gây nên.
+ Tỳ Hư yếu kèm thấp tà ứ đọng: Tỳ ở trung tiêu, có chức năng vận hóa, Tỳ thích khô ráo chứ không thích ẩm ướt, nếu ăn nhiều chất lạnh, mát quá làm Tỳ Vị bị tổn thương, chức năng vận hóa bị mất đi sẽ gây nên béo phì, thủy thấp sẽ thịnh. Tỳ bị tổn thương khiến cho dưỡng trấp không chuyển hóa thành các chất nuôi dưỡng cơ thể, Cholesterol sẽ tụ lại, gây nên Cholesterol cao.
+ Tình Chí Bị Thương Tổn: Suy tư, giận dữ làm hại Tỳ, Can. Can mất chức năng sơ tiết, khí cơ bị uất trệ, khí bị trệ, huyết bị ứ, hoặc Can khí uất kết lấn sang làm tổn thương Tỳ Vị, Tỳ mất chức năng vận hóa, lượng mỡ không chuyển hóa được tụ lại gây nên chứng Cholesterol cao.
+ Thận Khí Hư Suy: Người lớn tuổi cơ thể bị suy yếu, thận khí hư hoặc lao thương quá sức, tinh khí bị tổn hại, sẽ làm cho tinh khí bất túc, khí hóa bị bất cập, tân dịch không đều hòa, lượng mỡ không chuyển hóa được, tụ lại thành chất mỡ xấu làm cho Cholesterol tăng cao.
+ Đờm ngưng huyết kết: Bình thường, lượng mỡ hóa sinh vào với thủy cốc, dưỡng trấp, mỡ cùng với tân dịch đều là loại chất dịch, tân dịch và huyết cùng hỗ sinh cho nhau, mỡ và máu cùng quy vào phần dinh. Tân dịch tụ lại sinh ra đờm, huyết dịch ứ trở gây nên huyết ứ. Đờm ngưng, huyết trở đều làm cho lượng mỡ chuyển hóa thất thường, tụ lại thành trọc tà, gây nên Cholesterol cao.
Cũng có thể do Can âm bị hao tổn, Can dương quá vượng, làm cho phong ở bên trong bị động, bốc lên thanh khiếu bên trên gây nên hoặc do Tỳ bị hư yếu, nguồn vận hóa bị kém khiến cho tinh khí của ngũ tạng kém, Thận không tàng trữ lại được, khiến cho Thận thủy bất túc, Can không được tư dưỡng gây nên bệnh.
Tôi bị máu nhiễm mỡ nên ăn gì ?
Những người bị máu nhiễm mỡ nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như gạo lứt rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… Đặc biệt là nên ăn gạo lứt và những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Chỉ có như vậy thì mới làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.
Nên ăn nhạt vì thức ăn này có lợi cho sức khoẻ và bệnh tim. Kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao, nên ăn những thức ăn ít chất béo như cá, đậu phụ, đỗ tương.
Nên ăn thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu như: Gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, ba ba, trà, dầu ngô.